Doanh nghiệp tư nhân là gì? Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân? Hãy cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
-
Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Khái niệm doanh nghiệp tư ở đây không được dùng với nghĩa là doanh nghiệp do cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước làm chủ. Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp giống như các loại hình doanh nghiệp khác như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh.
Xem thêm: Dịch vụ thành lập doanh nghiệp uy tín
2. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân có chế độ trách nhiệm vô hạn
Do không có sự độc lập về tài sản, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi vốn đầu tư đã đăng kí mà phải chịu bằng toàn bộ tài sản trong trường hợp vốn đã đăng ký không đủ.
Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 74 Bộ Luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
Doanh nghiệp tư nhân có đặc điểm là tài sản cá nhân không tách biệt với tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp tư không đáp ứng đủ điều kiện để được coi là pháp nhân.
Chỉ duy nhất một cá nhân làm chủ
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân chỉ có duy nhất một cá nhân làm chủ.
Khoản 3 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định, chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Đối với việc điều hành và quản lý công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý hoạt động công ty
Được bán và cho thuê doanh nghiệp tư nhân
Theo Điều 191, 192 Luật Doanh nghiệp 2020, khi có nhu cầu, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán và cho thuê doanh nghiệp tư nhân.
Khi bán và cho thuê doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau:
– Bán doanh nghiệp:
+ Hai bên phải lập hợp đồng mua bán (không bắt buộc phải công chứng, chứng thực);
+ Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp.
– Cho thuê doanh nghiệp:
+ Phải lập hợp đồng cho thuê (không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Tuy nhiên khi nộp hồ sơ đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp bản sao hợp đồng có công chứng, chứng thực).
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân được chuyển thành công ty cổ phần và công ty TNHH
Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ cho phép chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân trực tiếp chuyển đổi thành công ty TNHH. Nếu doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển thành công ty cổ phần thì phải chuyển thành công ty TNHH trước, sau đó từ công ty TNHH chuyển đổi loại hình thành công ty cổ phần.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“1. Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
c) Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
d) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.”
Như vậy, từ 01/01/2021, doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi loại hình trực tiếp lên thành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh.
Xem thêm: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là gì?
Trên đây là nội dung bài viết Doanh nghiệp tư nhân là gì? Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết