Thụ lý vụ án dân sự là gì? Quy định pháp luật hiện hành về điều kiện thụ lý vụ án dân sự như thế nào?
Khái niệm thụ lý vụ án dân sự
Thụ lý vụ án dân sự là việc tòa án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và vào số thụ lý vụ án dân sự để giải quyết.
Quy định pháp luật về điều kiện thụ lý vụ án dân sự
Khi khởi kiện tại Tòa án thì các chủ thể phải đáp ứng các điều kiện khởi kiện theo quy định. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, khi chủ thể khởi kiện đáp ứng đầy đủ các điều kiện này thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án dân sự. Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự khi việc khởi kiện đáp ứng điều kiện khởi kiện, hình thức, nội dung đơn khởi kiện; bên cạnh đó việc khởi kiện còn phải đúng thẩm quyền theo cấp, theo lãnh thổ và người khởi kiện phải nộp kèm tài liệu, chứng cứ, nộp tạm ứng án phí. Cụ thể như sau:
Thỏa mãn điều kiện khởi kiện
Điều kiện về chủ thể khởi kiện
Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự là các chủ thể theo quy định của pháp luật được tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Các chủ thể này bao gồm cá nhân, cơ quan, hoặc tổ chức đáp ứng được những điều kiện đó pháp luật quy định,
Cá nhân khi khởi kiện vụ án dân sự phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự đồng thời phải có quyền lợi bị xâm phạm hoặc tranh chấp
Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của minh, hoặc của người khác
Điều kiện về thẩm quyền của Tòa án
Để giải quyết tốt các vụ án dân sự, tòa án có trách nhiệm hướng dẫn và giúp đỡ các chủ thể khởi kiện thực hiện hành vi khởi kiện vụ án đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu pháp luật đặt ra là việc khởi kiện phải đúng theo thẩm quyền xét xử về dân sự của Tòa án, cụ thể là:
Vụ án mà họ khởi kiện thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của tòa án quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Vụ án được khởi kiện phải đúng cấp tòa án có thẩm quyền giải quyết quy định tại Điều 35, 36, 37 và 38 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Vụ án được khởi kiện phải đúng thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Điều kiện liên quan đến sự việc chưa được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng người khởi kiện có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật
Để đảm bảo việc thực hiện bản án, quyết định, điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định nếu vụ án dân sự đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì các đương sự không được quyền khởi kiện nữa, trừ một số trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Trong các vụ án bồi thường thiệt hại, đương sự có thể khởi kiện lại yêu cầu Tòa án xem xét lại mức bồi thường. Vụ án đòi tài sản thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
Điều kiện về nội dung, hình thức đơn khởi kiện
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chỉ thừa nhận một hình thức khởi kiện duy nhất là đơn khởi kiện và không chấp nhận việc khởi kiện bằng lời nói hoặc hình thức khác không phải văn bản và thể hiện các ký hiệu, ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt.
Về hình thức; đơn khởi kiện phải được người khởi kiện ký tên hoặc điểm chỉ nếu người khởi kiện là cá nhân, nếu là cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.
Về nội dung, đơn khởi kiện phải có các nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Điều kiện về nộp kèm tài liệu, chứng cứ
Theo khoản 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của minh bị xâm phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ thì họ có thể nộp các tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
>>>Xem thêm: Người đại diện tham gia tố tụng dân sự có thể thừa nhận chứng cứ thay đương sự không?
Điều kiện về nộp tiền tạm ứng án phí
Tòa án chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện xuất trình biên lai nộp tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan Thi hành án và nộp cho tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Nếu người khởi kiện không nộp hoặc nộp không đủ tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm thì Tòa án không thụ lý vụ án trừ trường hợp họ được miễn nộp tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, để họ làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Đối với trường hợp có trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng thì thời gian do trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng không tính vào thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí theo khoản 2 điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Điều kiện về thời hiệu khởi kiện
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã có bước đột phá hết sức quan trọng trong việc xác định thời hiệu khởi kiện không phải là điều kiện để thụ lý vụ án dân sự. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu khi có yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu; trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
>>Xem thêm: Thời hiệu khởi kiên vụ án dân sự không áp dụng trong trường hợp nào
Trên đây là nội dung bài viết Điều kiện thụ lý vụ án dân sự theo pháp luật hiện hành. Nếu bạn có bất kì thắc mắc gì về các vấn đề pháp lý, hãy liên hệ lawkey.vn để được tư vấn hỗ trợ bạn nhé.