Thế nào là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền? Làm thế nào để xác định vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền của doanh nghiệp? Hậu quả pháp lý của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền là gì?  

Khái niệm hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền

Pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện nay theo xu hướng đưa ra khái niệm chung về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Theo đó khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 quy định:

“lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.

>>>Xem thêm: Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Xác định vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền của doanh nghiệp

Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp

Theo điều 24 Luật cạnh tranh 2018, doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh khi thuộc một trong những trường hợp sau:

Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể. Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp; nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:

a) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;

b) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;

c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;

d) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối; tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;

đ) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;

e) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;

g) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;

h) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;

i) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Trường hợp này, pháp luật hoàn toàn dựa vào thị phần để xác định vị trí thống lĩnh thị trường. Khoản 1 điều 10 luật cạnh tranh năm 2018 quy định: “Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của thị trường liên quan, thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định theo một trong các phương pháp sau đây:

a) Tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;

b) Tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;

c) Tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa; dịch vụ bán ra của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa; dịch vụ bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;

d) Tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa; dịch vụ mua vào của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa; dịch vụ mua vào của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm.”

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền không cần chứng minh về khả năng chi phối giá  hay khả năng thực hiện các hành vi chi phối thị trường trên thực tế của doanh nghiệp mà có thể sử dụng tiêu chí mang tính định lượng là thị phần doanh nghiệp.

Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo khoản 2 Điều 24 Luật cạnh tranh 2018; nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường khi thỏa mãn đủ hai điều kiện sau:

– Các doanh nghiệp đã hoặc đang thực hiện cùng một hành vi hạn chế cạnh tranh.

Các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;

d) Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

Xác định vị trí độc quyền của doanh nghiệp

Điều 25 Luật cạnh tranh 2018 quy định:

“Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa; dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.”

Khi xác định vị trí độc quyền, cơ quan cạnh tranh cần xác định: Thị trường liên quan và xác định số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Nếu kết luận là chỉ có một doanh nghiệp duy nhất thì doanh nghiệp đó có vị trí độc quyền; không cần các bước phân tích doanh thu, doanh số,… để xác định tổng thị phần của thị trường.

Doanh nghiệp độc quyền có thể là độc quyền nguồn cung (độc quyền bán) hoặc độc quyền cầu (độc quyền mua) trên thị trường, cả hai trường hợp xảy ra đều đem lại cho doanh nghiệp độc quyền khả năng khống chế ý chí của đối tác hoặc của khách hàng, Vì với tư cách độc quyền mua hoặc bán của mình, vị trí của doanh nghiệp độc quyền đã tước bỏ khả năng lựa chọn của khách hàng bởi họ chỉ có một lựa chọn suy nhất là giao dịch với doanh nghiệp. Khi ấy sự chi phối đến giá cả và những điều kiện thương mại khác từ doanh nghiệp độc quyền là dễ xảy ra.

>>> Xem thêm: hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền bị cấm 

Hậu quả pháp lý của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền.

Hậu quả của hành vi lạm dụng là làm sai lệch; cản trở hoặc giảm cạnh tranh trên thị trường liên quan. Đặc trưng này cho thấy tác hại của hành vi lạm dụng đối với thị trường. Doanh nghiệp thực hiện các hành vi này nhằm duy trì; củng cố vị trí hiện có hoặc nhằm thu lợi ích độc quyền từ việc bóc lột khách hàng. Do đó, việc thực hiện hành vi có thể gây ra những thiệt hại cho một số đối tượng cụ thể, song nghiêm trọng hơn là làm suy giảm, cản trở tình trạng cạnh tranh của thị trường.

Luật Cạnh tranh 2018 sử dụng nguyên tắc cấm tuyệt đối để xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh; vị trí độc quyền để hạn chế cạnh tranh.

Theo đó; trong mọi trường hợp các hành vi lạm dụng vị trí đều bị cấm và không có biện pháp miễn trừ. Luật cạnh tranh áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp thực hiện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.

Trong đó, biện pháp xử phạt chính là phạt tiền với mức phạt tối đa là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền hoặc từng doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm nhưng thấp hơn mức tiền phạt thấp nhất đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự theo điều 111 Luật Cạnh Tranh 2018.

Ngoài biện pháp phạt tiền, doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng… được quy định cụ thể tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền của doanh nghiệp” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn có bất kì thắc mắc gì về các vấn đề pháp lý, hãy liên hệ  lawkey.vn để được tư vấn hỗ trợ bạn nhé.