Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và khó kiểm soát trên toàn cầu và trong nước, bên cạnh ý thức chấp hành, phối hợp với Đảng và nhà nước chống dịch của người dân thì vẫn xuất hiện một bộ phân khác với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh như khai báo không đúng, không khai báo hoặc không chấp hành cách ly,…khiến cho diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Lawkey tìm hiểu về một số quy định của pháp luật về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19:
Dịch Covid-19 thuộc nhóm bệnh nào?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh Covid-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Như vậy, đối với những hành vi vi phạm, không chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch thì sẽ phải chịu các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.
Mức xử phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm hành chính
Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế
Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch
Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (ví dụ: không đeo khẩu trang nơi công cộng), có thể bị phạt tiền tối đa đến 3.000.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố
Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch, có thể bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng(điểm a và điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).
Áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng
Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộngcó thể bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, đến40.000.000 đồng đối với tổ chức(điểm a vàđiểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).
Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế
Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A, có thể bị phạt tiền tối đa đến 30.000.000 đồng(điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).
Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải
Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, có thể bị phạt tiền tối đa đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức (điểm a, điểm b và điểm c khoản 5 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).
Vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định
Hành vi vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, có thể phạt tiền tối đa đến 1.000.000 đồng; nếu vứt trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt, có thể bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng (điểm c vàđiểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP).
Hành vi vi phạm trong sử dụng mạng xã hội
Hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội như đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).
Hành vi cản trở người thi hành công vụ phòng chống dịch
Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng (Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Hành vi lợi dụng hoàn cảnh mua vét hàng hóa trục lợi
Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính (đầu cơ) có thể bị phạt tiền tối đa đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức (Điều 46 Nghị định 185/2013/NĐ-CP).
>> xem thêm: Tư vấn luật miễn phí Tư vấn pháp luật qua tổng đài miễn phí
Trên đây là những tư vấn của Luật Lawkey về Quy định của pháp luật về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid – 19 Hãy liên hệ 0967.591.128 để được giải đáp những thắc mắc nếu có.