Bị tai biến phẫu thuật thẩm mĩ có được bồi thường thiệt hại không? Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi phẫu thuật thẩm mỹ được quy định như thế nào? Nguyên tắc bồi thường thiệt hại khi phẫu thuật thẩm mỹ được quy định như thế nào?
Bị tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ thì có được bồi thường không?
Trước tiên, để có căn cứ xác định trường hợp này phía cơ sở thẩm mỹ có phải bồi thường hay không và mức bồi thường như thế nào còn tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng hay giấy cam kết mà phía mình đã ký trước khi làm phẫu thuật thẩm mỹ.
Từ đó mới có cơ sở xác định chính xác mức bồi thường (nếu có), trách nhiệm của mỗi bên như thế chứ không phải lúc nào cũng mặc định trong mọi trường hợp là phía cơ sở thẩm mỹ sai, phải bồi thường.
Căn cứ Điều 102, khoản 2 điều 100 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa như sau:
“Trường hợp xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật; trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật này.”
Xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật như thế nào?
Điều 100 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023; quy định về xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật như sau:
“Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; người hành nghề đã thực hiện đúng trách nhiệm chăm sóc; điều trị người bệnh và các quy định về chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
b) Trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện; thiết bị y tế, thuốc, thiếu người hành nghề mà không thể khắc phục được; trường hợp bệnh chưa có hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
c) Trường hợp bất khả kháng; trở ngại khách quan hoặc lý do khách quan khác dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;
d) Trường hợp tai biến y khoa do người bệnh tự gây ra.”
Như vậy, trong trường hợp bị tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ thì người bị hại có thể yêu cầu bên cở sở khám bệnh, chữa bệnh bồi thường và chịu các trách nhiệm pháp lý khác nếu cơ sở thẩm mỹ có lỗi và có đầy đủ cơ sở chứng minh thì họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ tùy thuộc vào mức độ thiệt hại và lỗi như thế nào.
Người vi phạm có phải chịu trách nhiệm hình sự ko?
Người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
“Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng…..”
Căn cứ phát sinh trách nhiệm và nguyên tắc bồi thường thiệt hại khi phẫu thuật thẩm mỹ được quy định như thế nào?
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe; danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản; quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường; trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại; trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu; người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Nguyên tắc bồi thường được quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường; hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc; phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần; trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình….”
Trên đây là nội dung về Bị tai biến phẫu thuật thẩm mĩ có được bồi thường thiệt hại không mà luật sư LawKey biên tập gửi bạn đọc. Nếu bạn có bất kì thắc mắc gì về các vấn đề pháp lý; hãy liên hệ lawkey để được tư vấn hỗ trợ nhé.