Vấn đề tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Hãy cùng Lawkey tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây:

Đơn vị sự nghiệp công là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức 2010, Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.

Đơn vị sự nghiệp công bao gồm: trường đại học Luật Hà Nội trực thuộc Bộ Tư pháp, đại học sư phạm Hà Nội trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo…; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…

Tự chủ tài chính là gì?

Tự chủ tài chính được hiểu là cơ chế theo đó các đơn vị sự nghiệp công được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, khoản chi của đơn vị mình, nhưng không vượt quá mức khung do nhà nước quy định

Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Theo Điều 3 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP,

Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công được hiểu là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ tài chính; tự chủ sử dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.

Quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong Nghị định số 16/2015/NĐ-CP

Về tự chủ về giá, phí

Nghị định đã quy định cụ thể về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công tại Mục 2 Điều 9,10; đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thì đơn vị được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường. Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước thì Nhà nước ban hành danh mục và định giá.

Về tự chủ về tài chính

Nguyên tắc được quy định trong Nghị định là: đơn vị tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý, sử dụng các kết quả tài chính và ngược lại ( đi kèm đó là tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự). Nguyên tắc này cũng nhằm khuyến khích các đơn vị phấn đấu vươn lên tự chủ tài chính ở mức cao hơn.

Tự chủ tài chính có các mức độ như: tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; tự đảm bảo chi thường xuyên; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí) và Được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên

Về tự chủ trong chi đầu tư và chi thường xuyên

Các đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ, bao gồm thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, nguồn thu phí theo quy định được để lại chi và nguồn thu hợp pháp khác, để chi thường xuyên.

Trên cơ sở danh mục dự án đầu tư đã được phê duyệt, đơn vị quyết định dự án đầu tư, bao gồm các nội dung về quy mô, phương án xây dựng, tổng mức vốn, nguồn vốn, phân kỳ thời gian triển khai theo quy định của pháp luật về đầu tư. Đơn vị sự nghiệp công được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định. Căn cứ yêu cầu phát triển của đơn vị, Nhà nước xem xét bố trí vốn cho các dự án đầu tư đang triển khai, các dự án đầu tư khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Về chi tiền lương và thu nhập tăng thêm

Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ sở, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị; ngân sách nhà nước không cấp bổ sung.(điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định 16/2015/NĐ-CP)

Đối với phần thu nhập tăng thêm, các đơn vị được chủ động sử dụng Quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện hiện phân chia cho người lao động trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác của người lao động.

Về trích lập các quỹ

Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi, đơn vị được sử dụng để trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; quỹ bổ sung thu nhập; quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi

Về tự chủ trong giao dịch tài chính

Đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước. Lãi tiền gửi đơn vị được bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc bổ sung vào quỹ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có), không được bổ sung vào quỹ bổ sung thu nhập.

Đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn, vay vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn.

> xem thêm: Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Trên đây là những tư vấn của Luật Lawkey về Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Hãy liên hệ 0967.591.128 để được giải đáp những thắc mắc nếu có.

Comments are closed.