Việc lồng ghép thủ tục hành chính trong xây dựng pháp luật là hết sức cần thiết và pháp luật hiện hành cũng đã có những quy định cụ thể về thẩm định nội dung này trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hãy cùng Lawkey tìm hiểu về thủ tục hành chính và thực trạng lồng ghép thủ tục hành chính trong thẩm định văn bản quy phạm pháp luật qua bài viết dưới đây:

Cơ sở pháp lý của việc lồng ghép thủ tục hành chính

Kiểm soát thủ tục hành chính được quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ban hành ngày 08/6/2010 và có hiệu lực từ 14/10/2010. Trong đó tại Điều 11 của Nghị định có quy định về việc thẩm định quy định về thủ tục hành chính.

Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.

Nội dung thẩm định về thủ tục hành chính

Nội dung thẩm định về thủ tục hành chính được quy định cụ thể tại Điều 11 của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và một số Điều trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, theo đó:

Thẩm định quy định về thủ tục hành chính và thể hiện trong báo cáo thẩm định

Ngoài việc thẩm định nội dung dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định quy định về thủ tục hành chính và thể hiện nội dung này trong báo cáo thẩm định.

Xem xét tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp

Nội dung thẩm định thủ tục hành chính chủ yếu xem xét các tiêu chí sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp, các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Có bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính

Ngoài thành phần hồ sơ gửi thẩm định theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan gửi thẩm định phải có bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính. Cơ quan thẩm định không tiếp nhận hồ sơ gửi thẩm định nếu dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính chưa có bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính và góp ý của cơ quan cho ý kiến.

Thực trạng về thẩm định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Thực trạng về thẩm định thủ tục hành chính

Hiện nay công tác đánh giá tác động thủ tục hành chính đã được thực hiện song chưa chủ động và nghiêm túc. Một số cơ quan, đơn vị không thực hiện việc đánh giá tác động trong quá trình lập đề nghị, xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ gửi cơ quan thẩm định của bộ, ngành, địa phương không có Bản đánh giá thủ tục hành chính theo quy định.

Ngoài ra, hầu hết các hồ sơ lập đề nghị và hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính đã được các cơ quan, đơn vị soạn thảo thực hiện đánh giá tác động thủ tục hành chính theo quy định, tuy nhiên đa số Bản đánh giá tác động thủ tục hành chính còn hình thức, sơ sài, chất lượng chưa đảm bảo.

Một số kiến nghị

Từ những phân tích trên, để nâng cao hiệu quả của việc thẩm định thủ tục hành chính, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ làm công tác thẩm định.

>>xem thêm: Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP

Trên đây là những tư vấn của Luật Lawkey về Vấn đề lồng ghép thủ tục hành chính và thực trạng về thẩm định thủ tục hành chính. Hãy liên hệ 0967.591.128 để được giải đáp những thắc mắc nếu có.